Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 5 địa phương
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tại 5 địa phương: Quảng Nam, Cà Mau, Bến Tre, Đà Nẵng, Hải Dương.
Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam có 940.453ha đất nông nghiệp, chiếm 88,93% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp 106.915ha, chiếm 10,11%; đất khu kinh tế 58.100ha; đất đô thị 88.615ha.
Với tỉnh Cà Mau, đến năm 2020 Cà Mau có 458.683ha đất nông nghiệp, chiếm 87,85% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp là 58.853ha, chiếm 11,27%; đất khu kinh tế 10.802ha; đất đô thị 37.715ha.
Đến năm 2020, tỉnh Bến Tre có 175.562ha đất nông nghiệp, chiếm 73,31% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp 63.558ha, chiếm 26,54%; đất đô thị 18.571ha.
Đối với thành phố Đà Nẵng, đến năm 2020 có 67.507ha đất nông nghiệp, chiếm 52,54% tổng diện tích toàn thành phố; đất phi nông nghiệp là 60.420ha, chiếm 47,02%; đất khu công nghệ cao 1.130ha; đất đô thị 25.059ha.
Tại tỉnh Hải Dương, đến năm 2020 có 94.418ha đất nông nghiệp, chiếm 56,6% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp 72.361ha, chiếm 43,38%; đất đô thị 28.438ha.
Chính phủ yêu cầu UBND 5 địa phương điều chỉnh hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của địa phương (gồm bản đồ, bảng biểu, số liệu và báo cáo thuyết minh tổng hợp) theo chỉ tiêu các loại đất đã được Chính phủ phê duyệt.
Mối lo thâu tóm 'ngầm' bất động sản
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu một số bộ ngành và địa phương báo cáo về nguy cơ doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm, thất bại ngay trên sân nhà trước làn sóng doanh nghiệp bất động sản ngoại đổ vào VN.
Thực tế, những cuộc thâu tóm âm thầm từng xảy ra tại một số địa phương trong mấy năm qua. Mới đây thông tin 21 lô đất (có nhiều lô rộng cả 20 ha) gần sân bay quân sự Đà Nẵng người Trung Quốc mua nhưng do người Việt đứng tên khiến dư luận lo lắng. Sở TN-MT Đà Nẵng giải thích, từ nhiều năm trước, cá nhân người Việt chuyển nhượng quyền sử dụng 20 lô đất dọc tường sân bay Nước Mặn cho một công ty trong nước nhưng có 48% vốn góp của nhà đầu tư Trung Quốc. Hay có lô cũng từ công ty trong nước nhưng sau được góp… 90% vốn của công ty Mỹ mà người đại diện vốn là người Trung Quốc...
Riêng nguy cơ doanh nghiệp (DN) nội trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) bị thâu tóm vì thất bại trên sân nhà, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, tính đến thời điểm hiện tại rất khó xảy ra. DN nội vẫn đang thống lĩnh thị trường BĐS với hàng loạt dự án lớn trải dài trên cả nước.
Cảnh báo là đâu đó đã có hiện tượng nhà đầu tư ngoại núp bóng nhà đầu tư trong nước, ráo riết thâu tóm BĐS trong nước để rút ngắn thời gian xin cấp phép đầu tư một dự án mới. Đáng nói hơn, một số dự án nhà đầu tư ngoại quan tâm lại ở một số địa điểm nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng như ven biển, gần sân bay, trên sông, sát biên giới như vùng lân cận sông Đồng Nai, gần khu vực sân bay Long Thành, khu vực Vân Đồn, Vân Phong...
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, phân tích hiện có gần 70 DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS, hạ tầng, khu công nghiệp của VN niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong đó có những DN BĐS lớn nhất của VN như VinGroup, Novaland, FLC, Quốc Cường Gia Lai, Hà Đô, Vinaconex, Tập đoàn Kinh Bắc, Phát triển đô thị Từ Liêm, Công ty phát triển nhà Thủ Đức... Thế nên, để đánh giá xem liệu có tình trạng công ty trong nước bị thâu tóm hay chưa thì rất dễ dàng xem xét cơ cấu vốn, cơ cấu cổ đông của các DN này.
Bởi theo quy định trên sàn chứng khoán, bất cứ cổ đông lớn nào đang sở hữu 5% vốn trở lên tại một công ty niêm yết là phải báo cáo và công bố thông tin xoay quanh các giao dịch mua bán cổ phiếu. “Nếu nói vốn ngoại thâu tóm chính thức DN nội trong lĩnh vực BĐS thì tôi chưa thấy rõ. Nếu để xem xét và ngăn chặn những vụ thâu tóm ngầm thì chỉ cần kiểm tra khoanh vùng các dự án nghỉ dưỡng, BĐS lớn với hàng trăm héc ta ở các khu du lịch ven biển, các vị trí trọng yếu ở nhiều tỉnh thành có liên quan về an ninh quốc phòng.
Đặc biệt nếu các dự án lớn lại giao cho những DN có quy mô vốn nhỏ thì phải xem xét nguồn gốc vốn từ đâu để thực hiện. Còn riêng với những DN chỉ làm dự án dân sinh, cho dù có vốn nước ngoài tham gia thì tôi thấy cũng bình thường”, TS Đinh Thế Hiển nói.
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, cũng cho rằng thông tin nhà đầu tư ngoại thâu tóm các dự án BĐS chưa thấy. Việc mua đi bán lại dự án là bình thường, nhưng tăng đầu tư chiếm tỷ lệ vốn cao để thâu tóm chưa nghe phản ánh.
Sốc với giá dự án “siêu biệt thự” tại Quận 1 giá 800 triệu đồng 1m2
Một dự án biệt thự ngay tại trung tâm Quận 1, TP.Hồ Chí Minh, đang được dự kiến mở bán trong tháng 10 này với mức giá thực sự gây sốc, dự kiến lên đến 800 triệu đồng mỗi mét vuông (m2).
Khu vực Quận 2, TP.Hồ Chí Minh lâu nay có nhiều dự án biệt thự nhất và cũng có mức giá đắt đỏ nhất. Nhưng nay dự án biệt thự ngay tại Quận 1 lập đỉnh mới về giá. (ảnh mang tính minh họa/nguồn:PK)
Theo thông tin chào hàng từ các nhân viên sale, dự án khu biệt thự này có tổng cộng 63 căn biệt thự - shophouse, chia thành 2 loại: Đơn lập (9 căn) và song lập (54 căn), thiết kế xây dựng gồm 1 hầm + 1 trệt + 2 lầu.
Được biết, đã có 42 trong tổng số 63 đã được triển khai và đã có chủ sở hữu.
Trong đợt mở bán tới, số lượng dự kiến là 21 căn, với ba loại diện tích là 225m2, 325m2, 437m2.
Dự án khu biệt thự này gồm có các hạ tầng, tiện ích như trường liên cấp chất lượng cao; hệ thống siêu thị, nhà hàng; công viên, vườn hoa nhiệt đới, đại lộ ven sông; khu thể thao với sân tập golf, tennis, cầu lông, bóng rổ, hồ bơi; bể jacuzzi, chăm sóc sắc đẹp, thư giãn; bến du thuyền…
Như vậy với mức giá dự kiến như trên, căn có diện tích 225m2 sẽ có mức giá tương ứng là 180 tỉ đồng; căn có diện tích 325m2 sẽ có giá tương ứng là 260 tỉ đồng và căn có diện tích 437m2 sẽ có giá tương ứng gần 350 tỉ đồng. Qui đổi ra USD thời điểm hiện tại tương ứng với mức từ 7,8-15 triệu USD/căn.
Với mức giá trên có thể nói đây là dự án “siêu biệt thự” tại Việt Nam.
Cách đây khoảng hai năm, giá dự án biệt thự ngay tại khu đất này từng được chào bán với mức giá từ 120-150 triệu đồng 1m2. Nhân viên sale khi ấy cũng từng khuyến nghị rằng ngay sau khi dự án được chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư mới thì giá sẽ tăng từ 20-30%.
Tuy nhiên từ đó tới nay, với mức báo giá dự kiến 800 triệu đồng/1m2, dự án biệt thự này đã tăng giá gấp từ 4-5 lần so với thời điểm gần hai năm trước.
CBRE: Giá chung cư Hà Nội sẽ có xu hướng tăng tiếp
Thị trường chung cư Hà Nội đang có xu hướng mở rộng ra ngoài trung tâm, vào khu vực như huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh...Cùng với đó, giá trung bình của thị trường tiếp tục tăng.
CBRE Việt Nam vừa tổ chức họp đánh giá tổng quan thị trường bất động sản quý III/2019 ngày 9/10, tại Hà Nội.
Trong quý III/2019, có gần 6.100 căn hộ được chào bán từ 18 dự án trên toàn thành phố, giảm 33% so với quý trước. Theo đó, trong 9 tháng, có khoảng 26.800 căn hộ mở bán mới, cao hơn 37% so với cùng kỳ năm 2018.
Về doanh số bán hàng, đã có 4.800 căn hộ được ghi nhận bán được trong quý III/2019, giảm 32% so với quý trước. Mặc dù doanh số bán hàng giảm trong quý này nhưng tỷ lệ số căn bán được trên tổng căn mở bán mới vẫn tương tự như các quý trước cho thấy, tình hình thị trường tương đối ổn định.
Về mặt bằng giá, giá sơ cấp ổn định trong quý 3/2019 trung bình ở mức 1.337USD/m2, cao hơn cùng kỳ 4%. Một điểm chú ý nữa là nguồn cung vẫn chủ yếu đến từ khu vực phía Tây, nguồn cung mới đang dịch chuyển ra xa hơn thay vì các cụm dân cư đã hình thành như Nam Từ Liêm và Cầu Giấy. Nếu như năm 2017, các dự án thường nằm cách xa Hà Nội khoảng 10km thì đến năm 2019 các dự án nằm cách xa khoảng 10-13km cùng với đó mức giá trung bình tương đối ổn định.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH CBRE Việt Nam nhận định, xu hướng mở rộng ra ngoài trung tâm, vào khu vực như huyện Thanh Trì và Hoài Đức... nay nhờ vào việc phát triển hạ tầng, giao thông nên thị trường bất động sản khu vực này dự báo phát triển.
Trong quý IV và các năm tới, CBRE nhận định thị trường bất động sản Hà Nội dự kiến sẽ chào đón một lượng lớn nguồn cung mới đến từ các dự án đô thị quy mô lớn. Cụ thể, quý 4/2019 sẽ có 7.000 căn hộ mở bán mới, giúp tổng nguồn cung mở bán mới cả năm 2019 tăng lên 33.000 căn, cao hơn 9% so với năm 2018.
Giá sơ cấp tiếp tục có xu hướng tăng và đạt trung bình khoảng 1.360 USD/m2 vào cuối năm. Cùng với các hoạt động xúc tiến bán hàng cũng như những cải tiến mới về sản phẩm doanh số dự kiến sẽ duy trì ở mức khả quan đạt khoảng 85%-90 lượng mở bán trong năm.
Bất động sản Long An: Ế vì giá “neo” trên trời
Khác với thị trường TP.HCM, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường Long An liên tục có những dự án mới mở bán, nhưng lượng hàng tiêu thụ được lại rất thấp.
Tháng 3/2019, Tập đoàn Đồng Tâm Long An mở bán Dự án Lavilla Green City tại TP. Tân An, tỉnh Long An. Dự án rộng gần 30 ha với 800 căn nhà phố, biệt thự.
Dù được thiết kế 1 trệt 2 lầu, giá hơn 2 tỷ đồng/căn diện tích 5x20 lại nằm ngay ở trung tâm hành chính của tỉnh, hạ tầng giao thông xây dựng đồng bộ với tuyến đường Quốc lộ 1 đi qua, nhưng thanh khoản lại thấp.
Cụ thể, tới nay, dự án này mới chỉ bán được hơn 100 căn nhà phố, thậm chí có những công ty môi giới bán hàng tại dự án này cho biết, tháng 9 vừa qua, họ chỉ bán được 3 căn nhà phố.
Một dự án nữa đang được ở bán từ đầu tháng 7 tới nay là Dự án Waterpoint tại huyện Bến Lức do Công ty cổ phần Southgate - liên doanh Nam Long, NNR, TBS Group và Tân Hiệp làm chủ đầu tư. Dự án với tổng diện tích 355 ha, hiện đang triển khai giai đoạn 1, phát triển 165 ha với các sản phẩm là nhà phố liền kề, biệt thự song lập, đất nền.
Dự án nằm tại chân cao tốc TP.HCM - Trung Lương nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Dự án có hơn 10 sàn giao dịch bất động sản phân phối sản phẩm, nhưng lượng hàng bán ra khá chậm. Một nhân viên sàn môi giới DKRA Vietnam cho biết, trong hơn 2 tháng bán dự án này, lượng hàng bán ra chỉ vài chục sản phẩm, không đạt được kỳ vọng.
Hay như Dự án Asaka tại huyện Bến Lức do Công ty TNHH Công thương nghiệp Thịnh Hưng làm chủ đầu tư, với sản phẩm chủ yếu là đất nền. Đây cũng là phân khúc chủ đạo của thị trường Long An từ trước tới nay và được cho là dòng sản phẩm phù hợp, dễ bán của các doanh nghiệp môi giới. Tuy vậy, theo Công ty Địa ốc Nam Phong, đơn vị môi giới, phân phối sản phẩm dự án này, công tác bán hàng khá chậm.
Bà Nguyễn Thị Diệu, một nhà đầu tư thứ cấp đã 5 năm đầu tư bất động sản tại tỉnh Long An cho biết, việc khách hàng hiện không mấy mặn mà mua sẩn phẩm tại thị trường này là do giá bị đẩy lên quá cao. Năm 2017 - 2018, giá đất bình quân là 7 - 14 triệu đồng/m2 tùy vào dự án đất nền, nhà phố xây và vị trí, nhưng hiện đã tăng mạnh, lên 10 - 18 triệu đồng/m2, trong khi Long An lại không có gì đặc biệt để kích thị trường.
Nhà đầu tư mạnh tay “săn” đất nền tại TP.Thanh Hóa
Đa số người mua đất là nhà đầu tư (NĐT) với thời gian bán ra tầm từ 2-5 năm, trong đó NĐT ngoại tỉnh chiếm khoảng 30%, 70% người mua là dân trong khu vực.
Theo ghi nhận, thời gian gần đây, thị trường BĐS Thanh Hóa đang người mua quan tâm, đặc biệt ở phân khúc đất nền. Lý do chính tạo nên sức bật lớn cho thị trường nơi đây được cho là: Các ông lớn như SunGroup, VinGroup, FLC, Eurowindow…. đồng loạt đổ về đây để làm các siêu dự án đã tác động rõ nét đến làn sóng đầu tư của NĐT cá nhân. Họ dồn về thị trường này để đón đầu cơ hội tăng giá và kì vọng mức lợi nhuận cao khi các siêu dự án hình thành.
Tìm hiểu được biết, hoạt động "săn" đất trong khu dân cư và đất ở tại các khu đô thị mới đang rộ lên tại thị trường Thanh Hóa. Đặc biệt, ở các khu vực ven lân cận TP như Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Quảng Cư, Quảng Phú, Quảng Tân…hoạt động săn đất nền khá nhộn nhịp ở thời điểm này.
Bên cạnh đó, tại các khu vùng thị trấn, thị tứ, dọc theo các trục đường lớn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Đại lộ Nam sông Mã nối liền các huyện thị, các cụm cảng bắt đầu xuất hiện những khu đô thị có quy mô vừa và nhỏ, được quy hoạch, đầu tư hạ tầng đồng bộ, nằm xen hoặc ven các khu dân cư hiện hữu.
Hay ở khu vực trung tâm TP, nhiều dự án khu đô thị mới đã được xây dựng như Vinhomes Star City của VinGroup quy mô lên tới 147ha, dự án Eurowindow Park City quy mô 6,7ha tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, khu đô thị của tập đoàn Miền Trung,...phần lớn giá đất ở những khu đô thị tại trung tâm đều đã tăng giá khá cao, dao động từ 25 - 50 triệu đồng/m2.
Theo một môi giới chuyên bán đất nền tại Tp.Thanh Hóa, khoảng từ năm 2018 đến nay đất nền tại đây đã rục rịch, đặc biệt các dự án của các ông lớn triển khai tại TP đã thu hút lượng lớn NĐT đổ về đây đầu tư. Mức lợi nhuận trung bình NĐT đạt được trong vòng 1 năm rơi vào khoảng 30%.
Môi giới này cũng tiết lộ, từ đầu năm đến nay, khi một số thông tin chủ trương đầu tư siêu dự án của một số ông lớn khác ngoài VinGroup xuất hiện, ngay lập tức tạo ra làn sóng đầu tư của các NĐT cá nhân. Họ dịch chuyển mạnh về các khu vực lân cận TP để tìm kiếm đất nền diện tích vừa phải để đầu tư. Bên cạnh các dự án trong KĐT mới thì đất trong dân lúc nào cũng “sốt” và thiếu nguồn cung để NĐT gom.
Thêm chủ công ty bất động sản vào 'tầm ngắm' của Bộ Công an
Bộ Công an đã tiếp nhận đơn tố cáo bà Nguyễn Kim Phượng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng bất động sản Hưng Thịnh và một số cá nhân khác có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thông tin từ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết đã nhận được đơn của khách hàng mua nền đất tại dự án khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường tố cáo bà Nguyễn Kim Phượng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng bất động sản Hưng Thịnh có địa chỉ 119, ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và một số cá nhân khác có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc ký kết hợp đồng nguyên tắc đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường (Long An).
Chính vì vậy, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Công ty TNHH đầu tư và xây dựng bất động sản Hưng Thịnh chủ đầu tư dự án Hưng Thịnh Cát Tường ở Long An dù đã ký hợp đồng bán đất nền cho khách hàng từ giữa năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa đền bù xong, chưa được cơ quan chức năng giao đất... Nhiều khách hàng đã đóng lên đến 95% giá trị nền đất. Khi biết dự án gặp nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý và khó triển khai, họ yêu cầu thanh lý hợp đồng, nhưng Công ty TNHH đầu tư và xây dựng bất động sản Hưng Thịnh lẩn tránh. Quá bức xúc vì chủ đầu tư làm ăn gian dối, khách hàng đã kéo đến Tỉnh ủy Long An kêu cứu, đồng thời gửi đơn tố cáo lừa đảo đến Bộ Công an.
Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm đất đai tại Long Biên
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội (TN&MT) vừa công bố Kết luận thanh tra số 316 về việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công thuộc trách nhiệm của UBND quận Long Biên và UBND các phường trên địa bàn quận.
Kết luận thanh tra cho thấy đã có 304 trường hợp vi phạm đất nông nghiệp với tổng diện tích đất là 13,7 ha. Trong đó, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng trái phép là 286 trường hợp, diện tích 13,3 ha và chuyển nhượng trái quy định 14 trường hợp, diện tích 0,17 ha; tự san lấp đất trên đất nông nghiệp là ba trường hợp tại phường Việt Hưng với diện tích 0,15ha.
Nổi bật là phường Long Biên với số trường hợp vi phạm nhiều nhất. Cụ thể, đến thời điểm thanh tra, phường này còn 92 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với tổng diện tích 15.009 m2. Đáng chú ý, thời điểm xảy ra vi phạm từ trước năm 2014 trở về trước, đến thời điểm thanh tra, UBND phường Long Biên chưa lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Phong tỏa các dự án "ma" của Alibaba
Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đề nghị tạm dừng việc đăng ký kê khai biến động và sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với hàng trăm lô đất của Công ty CP địa ốc Alibaba phân phối.
Những lô đất này nằm chủ yếu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc và Thị xã Phú Mỹ, do cá nhân anh em Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng Giám đốc CTCP địa ốc Alibaba) và Nguyễn Thái Lực (em ruột Lĩnh) và một số giám đốc các công ty con của CTCP địa ốc Alibaba đứng tên.
Bộ Xây dựng đề xuất loạt giải pháp kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, 3 ,4 ,5 ,7 Quốc hội khóa XIV.
Đáng chú ý, báo cáo nhắc tới việc thực hiện cơ cấu lại thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia. Cùng với đó, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, "thổi giá", "làm giá" để lừa đảo, trục lợi".
Trong dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo các nhiệm vụ để kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản.
Cụ thể, Bộ Xây dựng tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu hàng hóa bất động sản cho hợp lý, huy động nguồn lực đa dạng hơn, thông tin thị trường bất động sản công khai, minh bạch hơn để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh;
Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương khắc phục những yếu kém, tồn tại để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quán triệt và tổ chức triển khai kịp thời các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; nắm bắt tình hình diễn biến thị trường để kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn; lập và điều chỉnh bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương…
TP HCM thu hồi 1.800 tỷ đồng ứng cho Đại Quang Minh
Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị làm thủ tục thu hồi 1.800 tỷ đã ứng cho Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh tại Thủ Thiêm.
Số tiền này thành phố đã ứng cho doanh nghiệp làm dự án Quảng trường trung tâm ở Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, quận 2, nhưng công trình hiện chưa được triển khai. Thanh tra Chính phủ xác định thành phố đã làm sai và yêu cầu thu hồi về ngân sách cùng lãi suất chậm nộp.
Sở Tài chính được giao nhiệm vụ rà soát các quy định, chuẩn bị thủ tục thu hồi số tiền 1.800 tỷ đồng để đề xuất UBND TP HCM trước ngày 10/10.
Tại buổi họp báo công bố kế hoạch khắc phục sai phạm ở dự án KĐTM Thủ Thiêm hôm 14/8, Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nói rằng Công ty Đại Quang Minh đã đồng ý nộp lại số tiền trên cùng lãi suất phát sinh. Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng KĐTM Thủ Thiêm đã chuẩn bị nội dung để UBND TP HCM xin ý kiến Thanh tra Chính phủ về việc tính lãi suất chậm nộp, và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương ứng với số tiền sẽ nộp.
Tham khảo từ VOH.