Đất nền Tp.HCM sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?

Nguồn cung mới nhỏ giọt

Vốn là loại hình chủ đạo của thị trường ven Tp.HCM nhưng thời điểm này các dự án đất nền bung thị trường rất "nhỏ giọt". Theo ghi nhận, hiện khu Đông, tại Q.Thủ Đức chỉ có dự án mới đang chào thị trường là KDC Centerhome Riverside với giá 4.8 tỉ đồng/căn. Còn khu Tây cũng chỉ xuất hiện lác đác một số dự án như KDC Sài Gòn West Garden, dự án The Star Village với số lượng nền không đáng kể. Còn lại hầu hết các nền đất môi giới rao bán lẻ tẻ tại khu vực Q.9, Q.8, Bình Chánh… hiện nay đều là dự án cũ đã chào bán trước đó 2-3 năm, qua tay nhiều NĐT.

Tuy vậy, ngay cả các dự án cũ mở bán trước đó cũng không còn nhiều sự lựa chọn với người mua. Những nền vị trí đẹp, diện tích hợp lý cũng đã được mua bán trước đó. Nhìn tổng quan thị trường đất nền Tp.HCM ở thời điểm hiện tại thấy rõ sự sụt giảm nguồn cung.

 

Nguồn cung đất nền Tp.HCM khan hiếm, lợi thế đang thuộc về các dự án có thể ra hàng ở thời điểm này

Theo số liệu công bố của DKRA Vietnam mới đây, trong quý 2, Tp.HCM chỉ có 3 dự án đất nền ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 193 nền, giảm 66% so với cùng kì năm ngoái. Dự báo trong quý tiếp theo, nguồn cung đất nền sẽ tiếp tục khan hiếm, các dự án được triển khai đa phần có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Q.9, Q.Thủ Đức…

Theo ghi nhận, mặt bằng giá sơ cấp của đất nền tại Tp.HCM vẫn ở mức cao, không có hiện tượng CĐT giảm giá bán, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung mới tiếp tục khan hiếm như hiện nay, nhiều CĐT vẫn tự tin để tăng giá bán.

Vẫn là kênh hấp dẫn nhà đầu tư

Rõ ràng, phân khúc đất nền Tp.HCM có trầm lắng cả về nguồn cung lẫn giao dịch so với thời điểm trước đó do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trong đó, theo các chuyên gia trong ngành, yếu tố về tâm lý dè chừng khiến phân khúc này "chững lại".

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, BĐS Tp.HCM vẫn còn nhiều dư địa phát triển mặc dù nguồn cung đang giảm sút, trong đó phân khúc đất nền vẫn được NĐT lựa chọn.

 "Với các dự án hạ tầng đồng bộ, gần các tiện ích hiện hữu cùng giá bán hợp lý, nhu cầu mua đất nền của người dân Tp.HCM sẽ còn rất lớn", ông Hoàng nhấn mạnh.

Khi được hỏi, liệu thị trường BĐS Tp.HCM có hụt hơi khi dòng tiền đang hướng mạnh về BĐS tỉnh lân cận, ông Hoàng cho hay, không có chuyện đó, thị trường BĐS Tp.HCM còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Việc giảm sút nguồn cung có thể chỉ trong ngắn hạn, trong khi nhu cầu sở hữu tài sản là đất còn rất lớn trên thị trường. Với những người có dòng tài chính tốt, sự lựa chọn của họ vẫn nghiêng về những tài sản mang tính chất "ăn chắc mặc bền".

 

NĐT có dòng vốn tốt vẫn chuộng đất nền tại Tp.HCM

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Văn phòng Hội môi giới BĐS Việt Nam – KV Miền Nam cho hay, BĐS liền thổ vẫn là kênh được NĐT ưa chuộng trong bối cảnh thị trường biến động. Do tâm lý chuộng tài sản gắn liền với đất nên loại hình này tuy chững lại so với những năm trước nhưng vẫn được NĐT quan tâm. Mức độ sinh lời trong dài hạn vẫn tốt bởi nhu cầu mua đất của người ở thực vẫn còn rất lớn trên thị trường.

Về nguồn cung, vị chuyên gia này cho hay, ách tắc pháp lý và quỹ đất hạn hẹp khiến nguồn cung đất nền Tp.HCM sụt giảm khoảng 2 năm nay, tình hình này vẫn chưa có dấu hiệu khả quan trong giai đoạn ngắn sắp tới. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc mặt bằng giá đất nền có thể tiếp tục tăng.

Còn theo TS Sử Ngọc Khương, hiện nay tốc độ đô thị hóa tại Tp.HCM rất cao. Bắt đầu từ những năm 90, quy hoạch tại thành phố đã phát triển theo hướng từ phía nam rồi lan sang phía đông với các quận 2, 9, Thủ Đức, tiếp đến là khu vực phía bắc như Gò Vấp.

Tuy nhiên, theo ông Khương, đầu tư ở đâu cũng cần nghiên cứu kỹ lượng để hạn chế rủi ro, b ởi giá trị BĐS bên cạnh hạ tầng kỹ thuật còn phải cần có sự phát triển của hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, hạ tầng kinh tế… để thu hút người dân về sinh sống. Theo đó, các dự án mà đáp ứng được các tiêu chí này, tức cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thì nhu cầu tìm mua vẫn lớn, thanh khoản tốt.

"Nếu trước đây, khi giá BĐS tăng nhanh, người mua nhà đất có nhu cầu thực thường dành nhiều thời gian nghiên cứu pháp lý, cơ hội nên khi quyết định thì sản phẩm đã không còn do các nhà đầu cơ mua hết. Nay thị trường trầm lắng hơn nên người mua có nhiều thời gian để nghiên cứu và cân nhắc. Các chủ đầu tư cũng lựa chọn các sản phẩm đầy đủ pháp lý, đưa ra các chính sách bán hàng, thanh toán tốt hơn để thúc đẩy nhu cầu", ông Khương nhấn mạnh.